Bối cảnh Chiến_dịch_Mogilev

Địa hình trong dải tấn công của Phương diện quân Byelorussia 2 khá phức tạp tương tự như dải hoạt động của Phương diện quân Byelorussia 3, phía Đông là những vùng đất cao tương đối bằng phẳng nói liền với rìa phía Nam vùng đất cao Smolensk, phía Tây là vùng rừng và đầm lầy giữa hai con sông Drut và Berezina. Trên con đường từ phía Đông Mogilev đến phía Đông Minsk, Phương diện quân Byelorussia 2 phải lần vượt qua bốn con sông: Pronya, Dniepr, Drut và Berezina. Mogilev là trung tâm của vùng này, đồng thời là đầu mối giao thông đường sắt và đường bộ quan trọng. Từ đây có các tuyến đường nối với Orsha ở phía Bắc, Minsk ở phía Tây, Bobruysk ở phía Tây Nam, Zhlobin ở phía Nam và Krychev ở phía Đông. Mogilev có vị trí quan trọng tương tự như Orsha cách nó hơn 80 km về phía Bắc. Địa bàn khu vực tác chiến của Phương diện quân Byelorussia 2 bất lợi cho việc triển khai xe tăng và các vũ khí nặng. Trong trường hợp thuận lợi nhất, tốc độ tấn công cũng vẫn bị chậm lại do phải vượt qua nhiều sông suối và đầm lầy. Từ Mogilev về Minsk chỉ có duy nhất con đường hàng tỉnh xuyên rừng và đầm lầy, đi qua Belyniki, Berezino và Cherven. Tại Mogilev, từ ngày 5 tháng 7 đến ngày 26 tháng 7 năm 1941, Tập đoàn quân 13 (Liên Xô) chỉ có 5 sư đoàn bộ binh, 2 lữ đoàn dù và Trung đoàn dân quân Mogilev đã tổ chức chiến dịch phòng ngự Mogilev, cản bước tấn công của Quân đoàn xe tăng 46 thuộc Tập đoàn quân xe tăng 2 (Đức) trong 22 ngày tại Trận Smolensk (1941).

Để giữ bí mật ý đồ tấn công tại Byelorussya, chỉ có 3 thành viên cao cấp của Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô và 3 cán bộ cao cấp của Bộ Tổng tham mưu được biết kế hoạch tổng thể các hoạt động của quân đội Liên Xô trong mùa hè năm 1944 tại khu vực này, gồm có Tổng tư lệnh tối cao I. V. Stalin, Phó Tổng tư lệnh tối cao G. K. Zhukov, Quyền tổng tham mưu trưởng A. I. Antonov, Phó tổng tham mưu trưởng phụ trách tác chiến S. M. Stemenko, Cục trưởng Cục tác chiến A. A. Gryzlov và Cục phó thứ nhất Cục tác chiến N. A. Lomov. Các đại diện đại bản doanh, tư lệnh các phương diện quân chỉ được biết về phần kế hoạch trên hướng mà họ phụ trách và chỉ huy. Mọi thư từ, điện báo và các cuộc nói chuyện điện thoại đều bị cấm đề cập đến thông tin về Chiến dịch Bagration. Cục bảo mật thuộc Bộ Tổng tham mưu được lệnh cử một nhóm công tác chuyên giám sát việc bảo mật cho chiến dịch. Cũng vì lý do bảo mật mà đến 19 tháng 4 năm 1944, Đại bản doanh mới có quyết định chia Phương diện quân Tây thành Phương diện quân Byelorussia 2Phương diện quân Byelorussia 3. Việc chia tách được thực hiện ngày 24 tháng 4 năm 1944.[1]